Đưa sản phẩm từ củ nghệ vàng ra thế giới

Hiện nay, nhiều sản phẩm thuốc được chiết xuất từ cây nghệ có chất lượng, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chữa dạ dày... được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm từ cây nghệ và tiến tới xuất khẩu thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn vốn.

Đưa sản phẩm từ củ nghệ vàng ra thế giới

Tiến sĩ Dương Ngọc Tú (người thứ hai từ phải sang) cùng các chuyên gia trao đổi về việc phát triển cây nghệ.

Phát triển toàn diện cây nghệ

Gặp chúng tôi ở căn phòng thí nghiệm chật chội, TS Dương Ngọc Tú, Trưởng phòng Sinh dược, Phó Giám đốc kiêm điều phối viên Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt Nam-Vương quốc Anh (ICNaP, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) say sưa nói về Dự án Phát triển toàn diện cây nghệ ở Việt Nam. Đây là dự án hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh do Hội đồng Anh và Việt Nam đồng tài trợ, nghiên cứu về các giải pháp tổng thể nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng cao từ cây nghệ của Việt Nam. Các tổ chức nghiên cứu của Vương quốc Anh mang đến kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ về công nghệ sinh học phân tử, công nghệ gien, công nghệ tinh chế, công nghệ bào chế và phát triển các dạng sản phẩm ưu việt từ curcumin, bảo đảm chất lượng và phát triển nông nghiệp bền vững. Dự án này được các nhà khoa học hai bên lựa chọn dựa trên cơ sở những thành công ban đầu mà các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học phối hợp Liên hiệp Khoa học Công nghệ hóa học và môi trường (Hội Hóa học Việt Nam) đã đạt được trong việc chiết xuất tinh nghệ từ củ nghệ vàng và hoạt chất enzyme Bromelain từ cây dứa để sản xuất thành công thực phẩm chức năng tinh nghệ và dứa. Sản phẩm Brocurma C-B xuất phát từ nguồn gốc thiên nhiên như nghệ và dứa, được sử dụng như thực phẩm chức năng an toàn nhằm tăng cường miễn dịch và khả năng đề kháng của cơ thể, tăng khả năng phòng một số bệnh, đồng thời hỗ trợ trong điều trị các bệnh nan y, hiểm nghèo nhờ hoạt tính sinh học cộng hưởng của nghệ và dứa.

Hiện nay có một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đã chiết xuất curcumin từ cây nghệ, tuy nhiên để nghiên cứu tổng thể toàn diện về cây nghệ, phát triển cây nghệ thành cây trồng công nghiệp để sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng thì vẫn chưa có. Khí hậu và đất đồi núi ở Việt Nam rất thuận lợi cho việc trồng nghệ ở quy mô lớn, trong khi phần lớn bà con nông dân hiện nay vẫn trồng cây nghệ một cách tự phát. Vì vậy, một phần mục tiêu của Dự án phát triển toàn diện cây nghệ ở Việt Nam là tận dụng quỹ đất chưa được khai thác ở miền núi, tạo công ăn việc làm cho nông dân địa phương.

Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm thuộc dự án liên kết Việt - Anh đã đánh giá tiềm năng của cây nghệ để có thể tạo ra một loạt các sản phẩm có giá trị cao tại Việt Nam, có khả năng ứng dụng thực tiễn trong công nghệ thực phẩm, bảo vệ sức khỏe hay bảo vệ thực vật. Hiện nay, ngoài việc sản xuất ra sản phẩm tinh bột nghệ là chính, các nhà khoa học cũng đang tiến hành nghiên cứu để tận dụng các phế phẩm để sản xuất ra các sản phẩm khác. Thí dụ bã nghệ có thể sử dụng làm phân bón, tinh dầu có khả năng xua đuổi muỗi, côn trùng, thuốc bảo vệ thực vật dành cho hoa quả...

Ứng dụng công nghệ xanh

TS Dương Ngọc Tú cho biết, để có được 20 gam tinh chất curcumin phải cần từ 5 đến 7 kg nghệ tươi. Điều này cho thấy tác dụng vượt trội của sản phẩm curcumin so với các sản phẩm nghệ truyền thống khác. Nghệ vàng được trồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Anh và Việt Nam đã phải lựa chọn giống nghệ ở các địa phương để kiểm tra hàm lượng curcumin, từ đó lai tạo giống có năng suất và hàm lượng hoạt chất cao nhất. Đặc biệt, sản phẩm tinh chất nghệ Curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước nano được sản xuất theo công nghệ hóa học xanh.

Công nghệ này loại trừ dung môi hóa học mà chỉ sử dụng dung môi tự nhiên an toàn, thân thiện với môi trường trong chiết xuất. Việc thay đổi công nghệ chiết xuất theo xu thế của các nước phát triển trên thế giới là nền tảng để có thể đưa sản phẩm từ củ nghệ vàng Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh... Bên cạnh đó, cách bào chế cũng có nhiều thay đổi nhằm tăng khả năng hòa tan của curcumin nhưng vẫn giữ được mùi vị, mầu sắc.

Tháng 5 vừa qua, tại hội chợ triển lãm nhân kỷ niệm 40 năm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những sản phẩm tinh bột nghệ siêu hòa tan đầu tiên mang tên Nacumin đã được trưng bày. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ và đang chờ Bộ Y tế cấp phép để đưa ra thị trường. Mới đây, tỉnh Bắc Giang cũng đã quy hoạch 8 ha để trồng nghệ, cung cấp nguyên liệu năng suất cao để sản xuất ra sản phẩm tinh bột nghệ phục vụ dự án. Trước mắt, để có thể phát triển bền vững cây nghệ với những mục tiêu đặt ra là một chặng đường rất dài, khi mà theo lộ trình đến năm 2018 dự án mới kết thúc. Những sản phẩm phụ nhằm tận dụng nguồn phế phẩm sau khi chiết xuất curcumin như thuốc bảo vệ thực vật đã được nghiên cứu và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để kết quả nghiên cứu thật sự đi vào thực tiễn, thì bài toán về vốn đang là thách thức lớn trong khi kinh phí của dự án phần lớn chỉ chi trả cho việc đi lại của các nhà khoa học. TS Dương Ngọc Tú chia sẻ: "Quá trình tìm vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Hội đồng Anh đã hỗ trợ 50% vốn theo Quỹ hỗ trợ Hợp tác tri thức Vương quốc Anh và Đông - Nam Á của Bộ Ngoại giao Anh và Hội đồng Anh, và Công ty TNHH TechbifarmTrung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao-Khu CNC Hòa Lạc đã hỗ trợ 50% số vốn còn lại trong giai đoạn vừa qua, nhưng hiện tại chúng tôi cũng không đủ nguồn lực để tiếp tục đầu tư cho dự án trong khi thực tế cơ chế vay vốn cho các dự án còn khá phức tạp".

Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thừa nhận có rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư vì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và để trở thành sản phẩm được thương mại hóa rất cần sự đầu tư từ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, DN nước ta hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư cho nên nhiều kết quả nghiên cứu phải chờ cơ hội. Vì vậy, không chỉ TS Dương Ngọc Tú mà hầu hết các nhà khoa học đều mong muốn các cấp có thẩm quyền xây dựng các cơ chế chính sách để đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng.